Sổ liên lạc của con

19 Jun

 

Mỗi tháng, khi nhận được sổ liên lạc của con, thật lòng mẹ không hào hứng mở ra đọc chút nào. Bởi nhiều thông tin mẹ muốn biết thì không có trong sổ. Dù vậy, mẹ vẫn mở ra xemtháng nào mẹ cũng mở ra xem. Mẹ thất vọng, rồi lại thất vọng. 7 tháng con đến trường là 7 lần mẹ thất vọng mỗi khi đọc sổ liên lạc của con.

Nhận xét của giáo viên trong tháng 12/2009

1.     Thể lực

 

Cân nặng: 12

Chiều cao: 85

Xếp loại kênh: A

So với tháng trước:

 

2.     Các mặt hoạt động: ăn, ngủ, vệ sinh, chơi tập, thói quen

 

       Bé đi học chăm ngoan, lễ phép chào thưa, tham gia các hoạt động vui chơi cùng cô và các bạn.

       Thể dục: thực hiện được động tác trườn qua chướng ngại vật, bò thấp chui cổng.

       Văn học: bài thơ Thỏ bông bị ốm, cây dây leo, câu chuyện chú bò con.

       Âm nhạc: Cô giáo như mẹ hiền, bàn tay cô giáo.

       Giờ ăn + ngủ: chăm ngoan

 

Nhận xét của giáo viên trong tháng 01/2010

1.     Thể lực

 

Cân nặng: 12,5

Chiều cao: 85

Xếp loại kênh: A

So với tháng trước: tăng cân

 

2.     Các mặt hoạt động: ăn, ngủ, vệ sinh, chơi tập, thói quen

 

       Bé đi học chăm ngoan, lễ phép chào thưa, tham gia các hoạt động vui chơi cùng cô và các bạn.

       Thực hiện được kỹ năng: lăn, bắt, ném, tung bóng.

       So sánh được kích thước to nhỏ.

       Thuộc bài hát, bài đồng dao.

       Giờ ăn + ngủ: chăm ngoan

 

Nhận xét của giáo viên trong tháng 02/2010

1.     Thể lực

 

Cân nặng: 12,7

Chiều cao: 85

Xếp loại kênh: A

So với tháng trước: tăng cân

 

2.     Các mặt hoạt động: ăn, ngủ, vệ sinh, chơi tập, thói quen

 

       Bé ngoan đi học đều, luôn hòa đồng vui chơi cùng các bạn

       Bé thuộc bài thơ, bài hát, câu chuyện.

       Nhận biết tên gọi của hoa quả ngày Tết.

       Phân biệt xe to, xe nhỏ.

       Giờ ăn + ngủ: chăm ngoan

 

Một tháng 4 tuần với hơn 20 ngày con đến lớp, mẹ chỉ nhận được mấy dòng nhận xét chung chung. Làm sao mẹ có thể biết mỗi ngày con sinh hoạt ở trường ra sao, cảm xúc ngày hôm đó của con thế nào, con đã chơi gì, học gì, ngủ bao lâu, ăn nhiều hay ít, con chơi với bạn thế nào, con có những biểu hiện, lời nói gì đáng yêu, đáng trách …? Với những thắc mắc này mẹ không bao giờ có được lời giải đáp thỏa mãn từ Bambi – K300. Và mẹ cũng không biết cô nào đã ghi sổ liên lạc cho con, vì mẹ không thấy cô ký tên vào sổ.

Suốt mấy ngày nay, nhìn cuốn sổ liên lạc sau khi kết thúc năm học của con mà lòng mẹ thấy buồn. Lật đi lật lại chỉ vỏn vẹn có 7 trang với vài dòng nội dung sơ sài. Suốt 7 tháng con vào Bambi, mẹ chỉ được nhận lại ngần ấy thông tin về con gái yêu của mẹ. Chẳng có gì đáng để đọc, chẳng có gì để nhớ, cũng chẳng có gì để vui. Mẹ đành mở lại cuốn nhật ký nhà trẻ Akebono. 6 tháng con gắn bó với nhà trẻ Akebono, mẹ có gần 100 trang nhật ký (trừ những ngày con nghỉ học). Đọc lại những lời nhận xét của cô mẹ như gặp lại con gái hồi con mới 18 tháng tuổi, thật đáng yêu!

Thứ năm, ngày 7 tháng 5 năm 2009 – Trời mưa

Sức khỏe           :  tốt

Ngủ trưa           :  12:25 ~ 13:00

Vệ sinh              :  1 lần (rất cứng)

Bữa phụ sáng    :  bánh quy, nước trà

Bữa trưa           :  trung bình

Nhận xét của cô :  Bé chơi vui vẻ trong lớp học. Châu-chan rất hạnh phúc. Hôm nay bé chơi trò leo núi bằng nệm trong lớp học. Châu-chan rất thích leo núi bằng nệm. Bé chơi rất vui cùng các cô. Lần nào trượt xuống núi bé cũng nói “kat! Kat!” rất vui. (Cô Axano)

 

Đọc trang nhật ký hôm nay của con, mẹ biết con khỏe, nhưng ngủ trưa chỉ được 35 phút (vì cho đến thời điểm này con mới đi nhà trẻ được hơn 1 tháng, nên con vẫn chưa thật sự quen với nền nếp sinh hoạt ở trường), con ị bô 1 lần và mẹ biết tình trạng phân rất cứng (thông tin này giúp mẹ điều chỉnh khẩu phần ăn của con ở nhà). Xem lời nhận xét của cô, mẹ biết hôm nay vì trời mưa nên con chơi trong lớp học cùng các bạn, và hoạt động chủ đạo hôm nay là trò leo núi bằng nệm.

 

Thứ sáu, ngày 8 tháng 5 năm 2009 – Trời nắng

Sức khỏe           :  tốt

Ngủ trưa           :  13:00 ~ 13:50

Vệ sinh              :  không

Bữa phụ sáng    :   không

Bữa trưa           :  trung bình

Nhận xét của cô :  Sáng nay, lúc đi dạo cùng các bạn về, Châu-chan nói “mattemashita”. Con đòi cô bế. Con chơi đồ chơi làm bếp, con làm món chiên và món onigiri (cơm nắm cuộn rong biển) rất vui vẻ. Vì sáng nay con thức dậy lúc 9h nên con ngủ trưa trễ. Các bạn đã ngủ hết rồi mà con vẫn còn luôn miệng nói “a! hai!”. (Cô Axano)

 

Con nhõng nhẽo đòi cô bế

 

 

Đọc nhật ký của con, mẹ biết hôm nay trời nắng nên buổi sáng con được đi dạo cùng các bạn. Hôm nay con khỏe, ngủ trưa được 50 phút nhưng ngủ trễ vì sáng nay con thức dậy muộn. Qua lời nhận xét của cô, mẹ suy nghĩ cần phải tập cho con ngủ sớm để dậy sớm (thời gian này mẹ luyện cho con ngủ sớm sao mà khó quá, con thường ngủ muộn và dậy muộn).

 

Sở dĩ cô giáo biết con thức dậy lúc 9h sáng là vì trong sổ nhật ký có phần dành cho bố mẹ ghi chép về những sinh hoạt ở nhà của con. Khi đến trường, cô giáo xem nhật ký và biết ở nhà con sinh hoạt như thế nào. Cô sẽ có lời khuyên thích hợp nếu thấy có điều gì chưa tốt cho con.

 

Thứ hai, ngày 11 tháng 5 năm 2009 – Trời nắng

Sức khỏe           :  tốt

Ngủ trưa           :  12:40 ~ 13:15

Vệ sinh              :  1 lần (rất cứng)

Bữa phụ sáng    :   bánh gạo, sữa tươi

Bữa trưa           :  trung bình

Nhận xét của cô :  Vậy à! Có lẽ bé thích động vật trong sách tranh phải không ạ? Ở lớp bé cũng thường được xem động vật trong sách tranh. Hôm nay, bé đi dạo ở gần con sông cùng các bạn. Châu-chan nắm tay các bạn, nhìn vẻ mặt con rất hạnh phúc. (Cô Kuriyama)

 

 

Đọc trang nhật ký của con hôm nay, mẹ biết con khỏe, ngủ trưa được 35 phút. Tình trạng phân vẫn chưa cải thiện. Còn lời nhận xét của cô bắt đầu bằng hai chữ “vậy à” là vì trong phần nhật ký của bố mẹ ghi, mẹ có kể rằng cuối tuần bố mẹ đã cùng con xem sách tranh về mèo và con rất thích bạn mèo trong sách.

 

Thứ năm, ngày 24 tháng 9 năm 2009 – Trời mưa

 

Sức khỏe           :  tốt

Ngủ trưa           :  12:55 ~ 14:58

Vệ sinh              :  không

Bữa phụ sáng    :  không

Bữa trưa           :  trung bình

Nhận xét của cô :  Châu-chan đã nghì dài ngày. Con đã đi du lịch nhiều nơi cùng gia đình nhỉ! Con sắp xa trường rồi, cô thật sự thấy buồn. Hôm nay con chơi bóng trong lớp học. Con nói “matte” (hãy đợi đã) và chạy đuổi theo những quả bóng lăn trên sàn nhà. (Cô Kuriyama)

 

Hôm nay là ngày cuối cùng con ở lại nhà trẻ Akebono. Lúc này con đã thực sự quen với nề nếp sinh hoạt ở trường nên giấc ngủ trưa của con dài hơn 2 tiếng. Sáng nay mẹ phải đưa con tới gặp bác Yoshida vì con bị bệnh sau chuyến du lịch nhiều ngày, và con đến lớp trễ. Mẹ vẫn nhớ ngày cuối cùng đưa con tới lớp, trời âm u buồn. Cô giáo cũng buồn khi con sắp xa cô.

 

Lâu rồi mẹ mới xem lại sổ nhật ký của nhà trẻ Akebono. Mỗi ngày là một niềm vui nho nhỏ. Đọc những lời nhận xét của cô, mẹ thấy rõ lòng tận tụy của cô cũng như tình yêu thương cô dành cho con.

* P/s: Nhật ký là cuốn sổ ghi lại những thông tin trao đổi giữa nhà trường và gia đình về sinh hoạt hàng ngày của con. Còn chiều cao, cân nặng, số đo vòng đầu, vòng ngực của con được ghi trong phiếu theo dõi riêng mỗi tháng.

6 Responses to “Sổ liên lạc của con”

  1. .... May 4, 2013 at 11:33 pm #

    bé gái của chị thật dễ thương và đáng yêu! bé có một cuộc sống thật hạnh phúc, em chúc gia đình chị đã hạnh phúc, càng thêm hạnh phúc hơn. chị đã quan sát con gái của chị thật chi tiết, chi ly. em phải xem gần nữa tiếng mà vẫn chưa hết… chị thật cẩn trọng. nhưng chị ơi, em có điều này muốn chia sẻ với chị đôi chút. đọc qua 2 lời nhận xét của chị về sổ liên lạc của bé, em thấy dường như chị chưa …rơi vô công việc của giáo viên mầm non bao giờ. em thấy cô giáo ở trường akebono viết về sinh hoạt trong ngày của con chị thật kỹ càng, nhưng chị cho em hỏi một vài câu hỏi nhé:
    lớp con chị học, có bao nhiêu bé nhỉ, bao nhiêu cô?, liệu cô giáo có thể quan sát trung binh 10 bé trong một ngày và ghi chi li như vậy được không?
    sổ bé ngoan của bé, để được bao nhiêu trang trắng cho giáo viên có thể phê vào đó?
    con chị chỉ mới kẹt tay vào cửa thôi, mà chị đã ruột đau như cắt, thì hỏi chị tâm trạng của cô giáo khi bé bị té( ko phải do cô) chiều về phải đối mặt vớiPH sẽ như thế nào đây? làm giáo viên mầm non giữ con người ta, còn khó hơn làm dâu trăm họ vậy đấy chị ơi.

    • dtmykhanh May 7, 2013 at 11:31 am #

      Chào bạn …. !

      Cám ơn bạn đã để lại comment. Mình đoán có lẽ bạn là giáo viên mầm non hoặc đang làm việc trong ngành mầm non hoặc có liên quan tới ngành mầm non. Nếu mình đoán không đúng, mong bạn thông cảm hihi … Mình không phải giáo viên mầm non, nhưng đang nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục mầm non ^^

      Nếu để so sánh hai nền giáo dục mầm non của VN và NB thì thật là một phép so sánh khập khiễng. Vì vậy, trên trang blog gia đình, mình chỉ lưu lại những kỉ niệm của gia đình, đồng thời cũng là những chia sẻ với tất cả bạn bè gần xa.

      Qua lời bạn, mình thấy có một điều đáng buồn là, giáo viên mầm non VN mình hay chuẩn bị tinh thần để “đối phó” với phụ huynh. Tại sao lại phải như vậy? Giá như, các cô đừng bao giờ phải “đối phó” mà các cô nên tự tin, làm việc và hành xử bằng cái tâm thực sự.

      Bạn có biết, trường mầm non Akebono hàng tháng đều có thống kê tất cả các trường hợp bé bị thương do vấp ngã khi sinh hoạt và vui chơi trong trường không? Thậm chí có trường hợp bé bị thương phải đưa vào viện cấp cứu, có bé bị may vài mũi ở trán, ở đầu, ở mặt. Con mình chưa bao giờ bị thương nặng như thế, nhưng mình biết các bé khác bị, vì nhà trường thống kê và gửi thông tin về từng gia đình của cả trường bạn ạ. Các cô giáo ở đó chẳng phải “đối phó” gì với phụ huynh cả. Họ sẽ nhận hết lỗi về phần mình, và phụ huynh dù có xót con đến mấy cũng thấy nhẹ nhõm. Dù vết thương của các con không thể lành ngay được, hoặc có thể sẽ để lại sẹo trên má, nhưng bằng thái độ thẳng thắn, trung thực, các cô sẽ nhận lỗi về mình. Các mẹ dù thế nào cũng không thể oán trách được các cô, bởi họ đã tận tâm như thế!

      Vài dòng chia sẻ với bạn. Chúc bạn luôn vui trong công việc, hạnh phúc trong cuộc sống.

      • lethanhsang December 24, 2014 at 10:01 pm #

        nói là một chuyện còn có hiểu và làm không mới là quan trọng

      • Thuy May 15, 2017 at 1:58 am #

        Bình luận linh tinh bài viết trên là quá chi tiết rồi. Viết nhiều quá thành viết linh tinh. Không làm trong ngành k biết. Hàng ngày chăm sóc đã cực rôi. Hàng tháng lên tiết dư giờ. Giấy tờ sổ sách nhiều có ai hiểu nỗi khổ của gv MN. Hàng tháng còn bỏ tiền ra mua đồ dùng để dạy nữa.

  2. Thuy duong October 16, 2017 at 12:42 am #

    Một lớp 40 cháu. Không chỉ hoạt động chăm sóc và giáo dục, giáo viên còn phải làm rất nhiều loại hồ sơ sổ sách và làm đồ chơi, hoạt động phong trào…nếu giáo viên nhận xét từng cháu chi li như vậy thì chắc chắn giáo viên này đến lớp chỉ chuyên quan sát và nhận xét ghi chép vào sổ để phụ huynh đọc sao cho hài lòng. Chứ nếu là giáo viên vừa dạy vừa chăm sóc, thực hiện đầy đủ hồ sơ của cô, trẻ mà còn nhận xét trẻ chi tiết từ ” bãi phân” của trẻ như vậy thì cô giáo ấy thành thánh mất rồi.

    • dtmykhanh December 1, 2017 at 2:14 pm #

      Ý mình kể ra câu chuyện về sổ liên lạc để các chuyên gia trong ngành, các thầy cô trong ngành biết rằng trên đời có một sự thật như thế. Vậy thì chúng ta, người Việt Nam, dân tộc VN, đất nước VN cần tìm hiểu xem nước bạn (Nhật Bản và nhiều nước tiến bộ khác) đã làm thế nào để cô giáo mầm non có thể làm được những điều như thế. Để chúng ta cùng hướng tới mục tiêu đó, thay vì ca thán là VN lớp đông nên giáo viên cực khổ (cái này ai cũng biết nên nhà nước cần hành động để thay đổi, để các cô bớt cực bớt khổ, các bé hạnh phúc hơn. Bản thân mình đang nghiên cứu ngành mầm non tại Hàn Quốc, nên nhìn về nước mình mà xót xa vậy.

Leave a comment